Tin tức
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam
Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như mối quan hệ giao thương hàng hải, đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam luôn thấy rõ vị trí, tầm quan trọng biển, đảo của Tổ quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, củng cố hòa bình, an ninh trên biển; trên cơ sở đó khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đảo phục vụ công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng ta khẳng định: Phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường…
Thấy rõ vai trò, vị trí của biển, đặc biệt khi các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các nước trên thế giới đều tìm cách vươn ra biển, khai thác các nguồn lợi to lớn trên biển… Cùng với nhiều nguyên nhân khác, một số nước có những hành xử bất chấp đạo lí, luật pháp và thông lệ quốc tế làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở các vùng biển, đảo trên thế giới, trong đó có khu vực biển của Việt Nam trở nên gay gắt, thậm chí biến thành vấn đề chính trị nóng bỏng, tác động xấu đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển, nhất là với các quốc gia, vùng lãnh thổ ven biển, có đường biên giới biển liền kề.
Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ “núi liền núi, sông liền sông”, có đường biên giới trên đất liền và trên biển… Tuy nhiên, với tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến tuyên bố đường biên giới “lưỡi bò” trên biển thành hiện thực, Trung Quốc không ít lần có những hành động ngang ngược, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, gây mất an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, từ ngày 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế, đơn phương đưa, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động trên vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, trực tiếp đe dọa độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, cũng như an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, môi trường hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Nguy hiểm hơn, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam; dựng chuyện “Việt Nam khiêu khích, gây gia tăng căng thẳng”, đòi Việt Nam phải “rút hết các tàu đang ngăn chặn hoạt động của Hải Dương 981 của Trung Quốc ra khỏi khu vực này”, để “đàm phán hòa bình, giảm căng thẳng trong tranh chấp”. Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt thuộc chủ quyền Việt Nam.
Để tiếp tục đấu tranh cho công bằng và lẽ phải, chúng ta cần huy động tối đa mọi hình thức, phương tiện, thực hiện tốt việc tuyên truyền; làm cho mọi người dân Việt Nam và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc thấy rõ lẽ phải thuộc về Việt Nam. Đồng thời, nắm rõ hệ thống pháp lí về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, khẳng định: Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việc làm của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam; kết hợp các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lí… để bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hết sức thận trọng, bình tĩnh, tỉnh táo, khôn khéo, không để mắc mưu, bị động trước những âm mưu, hành động khiêu khích của Trung Quốc; tiếp tục tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc bằng những căn cứ pháp lí, thực tiễn chính xác, có tính thuyết phục cao trước công luận.
Các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp, các học giả, nhà khoa học, nhân dân trong nước và sinh sống, công tác ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, tạo sức mạnh tổng hợp cùng Đảng, Chính phủ kiên quyết đẩy lùi các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Các lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, nhất là lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Quan tâm, chăm lo, xây dựng lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, dân quân tự vệ biển đủ mạnh. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở các địa phương trong quản lí, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; động viên, có chính sách khuyến khích, giúp đỡ ngư dân các vùng biển yên tâm bám biển, tiếp tục khai thác, làm giàu, cùng với các lực lượng góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Biển, đảo là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên và là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao và pháp lí, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Thành Hữu
Các tin khác
-
» Vệ sĩ - Lương cao nhưng việc có nhẹ nhàng (05/03)
-
» Tự đào tạo bảo vệ - nên hay không nên? (05/03)
-
» Giữa tuyển bảo vệ nội bộ và thuê dịch vụ bảo vệ thì có gì khác nhau (05/03)
-
» Cần bản lĩnh và đam mê để làm Bảo vệ (02/03)
-
» chuyện dở khóc dở cười của những người bảo vệ nữ (phần 2) (02/03)
-
» Chuyện dở khóc dở cười của những người bảo vệ nữ (phần 1) (14/02)
-
» Nếu là nữ …có nên chọn nghề bảo vệ? (14/02)
-
» Những phẩm chất cần có của người vệ sỹ (12/02)
-
» Những điều có thể bạn chưa biết về nghề vệ sĩ trên thế giới (12/02)
-
» Lịch sử của nghề bảo vệ (10/02)